Là nơi đóng trụ sở Bộ Y tế thời kỳ từ năm 1950 - 1954

19/07/2024 - 09:54
42

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tân Long là một xã thuộc huyện Yên Sơn có địa hình đồi cao, núi đá, rừng cây nguyên sinh cổ thụ, gần An toàn khu (ATK) nơi Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều bộ, ban, ngành ở, làm việc. Với vị trí đảm bảo an toàn, bí mật, thuận đường giao thông, liên lạc, Tân Long là nơi ở và làm việc của Bộ Y tế và các cơ quan trực thuộc Bộ từ năm 1950 - 1954. Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Bộ Y tế được thành lập trên cơ sở bộ máy nhân viên của Tổng thanh tra y tế Đông Dương cũ, trụ sở tại số 7 phố RésdentMorel (nay là phố Bà Huyện Thanh Quan). Sau đó, chuyển về khu nhà hai tầng cạnh bệnh viện Đồn Thủy (nay là Quân y viện 108). Ngay từ khi mới thành lập, Bộ Y tế nước Việt Nam dân chủ cộng hoà dưới sự lãnh đạo của Đảng đã coi công tác bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là nhiệm vụ của mình. Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra trên đất nước Việt Nam. Ngày 02/03/1946, Quốc hội khoá I đã tiến hành kỳ họp thứ nhất tại Hà Nội và quyết định việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến thay thế Chính phủ liên hiệp lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; Chính phủ gồm 10 Bộ trong đó có Bộ Xã hội - Y tế - Cứu tế và Lao động. Ngày 03/11/1946, trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá I quyết định thành lập Chính phủ mới thay cho Chính phủ liên hiệp kháng chiến, gạt ra khỏi Chính phủ những phần tử thuộc các tổ chức chính trị đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan bộ, ban, ngành có kế hoạch sơ tán ra khỏi Hà Nội về các vùng lân cận. Các cơ quan Y tế như Văn phòng Bộ Y tế, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, trường Đại học Y, xưởng bào chế thuốc viện Pasteur... đều chuẩn bị sẵn sàng để đi sơ tán. Hồ sơ, tài liệu, dụng cụ, máy móc y tế, bông băng, thuốc men... được đóng gói cẩn thận và chuyển ra khỏi Hà Nội đến Vân Đình, Hà Đông bằng tất cả mọi phương tiện. Năm 1947, chiến sự ngày càng lan rộng, trường Đại học Y khoa, bệnh viện Việt Đức tiếp tục di chuyển từ Vân Đình lên Phú Thọ và cuối cùng dừng lại ở ngòi Quẵng, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Văn phòng Bộ Y tế, Viện Pasteur và một bộ phận bệnh viện Bạch Mai từ Vân Đình di chuyển lên Phú Thọ, qua Vĩnh Yên tới xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

z5768104726157_ae7fcbf86c7f8056d8b2ba55245f42ba.jpg

 

z5768104715981_63e65ce3e70f44356c6097ce76cdc94c.jpg

bình luận

Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1