Di tích bệnh viện Tai - mũi - họng Trung ương Tại thôn 5 xã Tân Long- huyện yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Chỉ sau một thời gian ngắn khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất cùng sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và nhân dân địa phương, cán bộ, nhân viên Bệnh Khoa Tai - Mũi - Họng đã nhanh chóng ổn định tổ chức để đi vào hoạt động chuyên môn. Bệnh khoa đóng tại địa điểm khá lý tưởng, cách Văn phòng Bộ khoảng 1 km, trên một quả đồi gần núi cao thoáng mát, nhà được làm dưới tán cây để đảm bảo an toàn về phòng không, xung quanh đồi có dòng suối nhỏ bao quanh rất thuận lợi cho sinh hoạt. Di tích bênh viện Tai - mũi - họng Trung ương Tại thôn 5 xã Tân Long- huyện yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Mặc dù trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn gian khổ và thiếu thốn về cơ sở vật chất và tài liệu nghiên cứu, nhưng cán bộ nhân viên đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu khoa học nâng cao trình độ, hết lòng phục vụ người bệnh. Các giáo sư, bác sĩ và sinh viên của các trường đến thực tập đã nghiên cứu sản xuất thử nghiệm Penicilline dạng viên nén, sản xuất nước lọc Steptomycine, thử độ PH bằng thảo mộc, tạo ra các thuốc nhuộm thảo mộc, nuôi cấy nấm bằng môi trường nước rơm, nghiên cứu sản xuất cồn từ sắn... nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc men để khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân trong thời kỳ kháng chiến.
Trong thời gian ở và làm việc tại xã Tân Long, Bệnh khoa đã khám và điều trị cho nhân dân địa phương, cán bộ và chiến sĩ vùng ATK, trong đó có các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như đồng chí Xuân Thuỷ chữa viêm mũi dị ứng, đồng chí Hoàng Quốc Việt mổ xoang, đồng chí Tố Hữu trong thời gian chữa bệnh đã sáng tác bài thơ: "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên" vào dịp quân ta giải phóng Điện Biên Phủ. Bệnh khoa Tai-Mũi -Họng đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp tham gia phục vụ kháng chiến, kịp thời chăm sóc chữa trị cho thương bệnh binh.
Trong điều kiện kháng chiến vô cùng khó khăn và gian khổ, trang thiết bị dụng cụ y tế, thuốc điều trị còn thiếu, nhưng tập thể y bác sĩ Bệnh khoa Tai - Mũi - Họng luôn duy trì, phát triển công tác chuyên môn, không ngừng tìm tòi nghiên cứu khoa học. Nguồn cung cấp thuốc men và dụng cụ y tế do Cục Quân y thuộc Bộ Quốc phòng cung cấp, chủ yếu là những thuốc chữa bệnh thông thường.
Do yêu cầu công tác điều trị và giảng dạy ngày càng tăng nên biên chế của bệnh khoa dần được bổ xung. Đầu tiên là số anh, chị em cộng sự với thầy Tước ở trường y sỹ liên khu 3 - 4 được chuyển về công tác như các anh, chị: Thưởng, Thuyết, Hiến, Xuyên, Ngữ, Hà, Dũng, Thái, Hảo, Hoè...Sau đó đến lớp y tá trẻ mới ra trường: Liên, Loan, Minh, Hạnh, Dự, Uyển...
Bệnh khoa trong những ngày ở Tân Long đã được y tá Phạm Thị Kim Loan (sau này là bác sỹ, Phó trưởng khoa Viện Tai – Mũi - Họng) ca ngợi rất thành công trong bài "Khoa tôi thủa ấy":
Thủa ấy, khoa tôi nhà tranh vách đất,
Dựng bên đồi, có dòng suối chảy qua...
Khoa tuy nhỏ, nhưng thật là hùng vỹ,
Giữa núi rừng Việt Bắc bao la.
Khoa tôi có những đồi cây cao vút,
Bóng mát xanh che mắt máy bay thù.
Khoa tôi có những ngày mưa lũ,
Đón từng bệnh nhân lội suối bơi vào...
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, Bệnh khoa rời xã Tân Long chuyển về Hà Nội. Khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, bệnh khoa Tai - Mũi - Họng sáp nhập với khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Bạch Mai, Năm 1969 tách ra thành bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương ngày nay.
(Trích Lý lịch di tích Bệnh khoa Tai - Mũi - Họng Tr 3-6, TLKT 02)